A Recipe for a Happy Life

日本での幸せライフレシピ

Bệnh tả korori và bài học phòng chống bệnh truyền nhiễm
(コレラ「コロリ」と感染症予防のレッスン)

Manga nổi tiếng “JIN” của tác giả Motoka Murakami nói về Jin Minakata, một bác sĩ đã du hành ngược thời gian từ thời hiện tại đến cuối thời Edo, đấu tranh để cứu những người dân Edo đang chịu bệnh tật dựa trên kiến ​​thức y học hiện đại. Tác phẩm này mô tả một căn bệnh truyền nhiễm đã gây ra cho người dân trong thời kỳ Edo – bệnh tả, hay còn được biết đến ở Nhật với tên “korori”.

Dịch tả trong lịch sử Nhật Bản

Bệnh tả, ban đầu là một bệnh truyền nhiễm đặc biệt ở lưu vực sông Hằng ở Ấn Độ, lây lan khắp thế giới vào thế kỷ 19 khi giao thương giữa Tây Âu và các nước châu Á trở nên sôi động. Năm 1817, trận dịch tả toàn cầu đầu tiên diễn ra.

Dịch tả lần đầu tiên được ghi nhận tại Nhật Bản vào tháng 8 năm 1822 do một tàu buôn Hà Lan mang đến, sau đó trải qua rất nhiều đợt bùng phát như vào các năm 1858, 1862, 1879 và 1886.

Bệnh tả là do ăn uống phải nước uống hoặc hải sản bị nhiễm vi khuẩn Vibrio cholerae gây ra các triệu chứng như tiêu chảy dữ dội và nôn mửa, với thời gian ủ bệnh từ 2 đến 3 ngày. Khi bệnh tiến triển, nó có thể dẫn đến mất nước, co giật, suy giảm ý thức và trong một số trường hợp có thể tử vong. Dịch tả tại Nhật Bản nặng đến mức gây ra khoảng 100.000 cái chết chỉ tính riêng tại Edo (Tokyo ngày nay), với một vài ghi chép thì con số này thậm chí là 260.000. Do vậy, người xưa gọi bệnh tả là “korori” với chữ Hán “hổ” có nghĩa là bệnh này rất nguy hiểm.

Phòng chống lây nhiễm dịch tả

Trước khi dịch tả hoành hành tại Nhật Bản, người dân thường không có phương pháp điều trị nào hữu hiệu mà chỉ cầu nguyện, dán bùa hoặc khua chuông để xua đuổi bệnh tật. Một nhật ký ghi chép năm 1859 có ghi: “Dịch bệnh nghiêm trọng đến mức lễ cầu nguyện được tổ chức tại các đền chùa, và một ngôi miếu nhỏ được xây dựng trên vùng đất hoang của Asahiyama để chứa đựng những linh hồn xấu xa của dịch bệnh”.

Tuy nhiên, với số người chết vẫn tăng lên, lần đầu tiên Nhật Bản đưa ra khái niệm cách ly và phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh việc điều trị cho bệnh nhân đã nhiễm bệnh, chính quyền Mạc phủ cho dịch các sách y học của phương Tây về phòng bệnh.

Một đoạn trích trong cuốn sách về vệ sinh của bác sĩ người Hà Lan Freinkops đưa ra lời khuyên “giữ cơ thể và quần áo sạch sẽ”, “cải thiện lưu thông không khí trong phòng”, “tập thể dục vừa phải và ăn uống điều độ”.

Khi dịch tả quay lại mạnh mẽ hơn vào mùa hè do nhiễm trùng nguồn nước, các phương pháp như “không uống nước giếng tùy tiện”, “không ăn đồ sống, đồ hư hỏng”, “giữ phòng khô thoáng” cũng được áp dụng.

Ngoài ra, việc cách ly cũng được áp dụng với quy định sau khi bệnh nhân hồi phục hoặc qua đời, gia đình bị cấm ra ngoài trong vòng tối đa 10 ngày sau khi khử trùng nhà.

Năm 1884, người ta phát hiện ra rằng bệnh tả là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Vibrio cholerae gây ra, và kể từ đó, đại dịch và các đợt bùng phát khác cũng đã được khống chế nhờ các phương pháp phòng bệnh. Tuy nhiên, ngay cả khi penicilin và các tác nhân điều trị khác lần lượt được tìm ra, nguyên nhân và biện pháp khắc phục đã được làm rõ, bệnh tả vẫn chưa bị xóa sổ và vẫn còn tại các khu vực nghèo kém phát triển.

Bài học phòng chống bệnh truyền nhiễm

Những phương pháp như cách ly, “rửa tay”, “ăn uống điều độ”, “giữ phòng ốc thông thoáng” dường như đã rất quen thuộc trong bối cảnh đại dịch vi-rút corona hiện nay. Tuy đơn giản, nhưng đây chắc chắn là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất nhằm khống chế bệnh truyền nhiễm.

Mọi người thường nghĩ rằng nền văn minh hiện đại vẫn đang phát triển. Công nghệ sẽ tiếp tục có những bước tiến lớn trong tương lai. Nhưng đồng thời, nó có thể cho thấy sự xuất hiện của một căn bệnh truyền nhiễm độc hại hơn.

Tất nhiên, nếu vi-rút tiến hóa, các loại thuốc mới sẽ ra đời. Nhưng theo thời gian thuốc phát triển, vi-rút cũng vậy. Nhân loại sẽ tiếp tục chiến đấu một cách tuyệt vọng như trước đây.

Có lẽ nếu chúng ta có thể xây dựng một hệ thống xã hội đảm bảo rằng tất cả nhân loại “không thể truyền bệnh cho người khác, hạn chế nguy cơ lây nhiễm”, thì đó có thể là cách nhanh nhất để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại các bệnh truyền nhiễm. Hiện tại, tốt hơn hết là bạn vẫn nên tạo thói quen rửa tay, súc miệng và đeo khẩu trang trước đám đông.

Link: https://www.nippon.com/en/ncommon/contents/japan-topics/197811/197811.jpg

GLOBAL BUSINESS NETWORK
Official Facebook Page

Site Map