A Recipe for a Happy Life

日本での幸せライフレシピ

Bệnh “ Tháng Năm” Tại Nhật Bản
(5月病とは)

Nếu đối với người Việt, “tháng Giêng” là tháng ăn chơi, thì đối với người Nhật, giai đoạn đầu năm cũng là dịp mừng năm mới, rồi tiếp theo là mùa lễ hội,… Và thế là, khi mọi thứ kết thúc, mọi người chợt nhận ra mình mắc “bệnh tháng Năm” lúc nào không hay.

Bệnh tháng Năm trong tiếng Nhật là 五月病 (gogatsu byou). Cũng như nhiều loại bệnh khác, bệnh tháng Năm xảy đến khi bạn chẳng để ý. Và nó phổ biến ở Nhật đến nỗi người ta đã đặt hẳn cho nó một cái tên như vậy.

Nói là “bệnh”, nhưng căn bệnh này thực ra là một dạng biến đổi, rối loạn tâm lý. Bệnh tháng Năm khá giống với chứng trầm cảm. Đó là khi bạn thấy mệt mỏi với cuộc sống và không còn động lực để sống mỗi ngày. Dần dần, bệnh tháng Năm sẽ khiến tình trạng này của bạn trở nên trầm trọng.

Ở Nhật, trường học và các công ty đều bắt đầu vào khoảng đầu tháng Năm. Trước đó là khoảng thời gian dài cho những kì nghỉ và lễ hội. Hơn nữa, tháng 4 còn là tháng đánh dấu của những khởi đầu mới. Đó là thời gian của năm học mới, kì đánh giá công việc để tiếp nhận vị trí mới…

Với chứng bệnh tháng Năm, stress chính là nguyên nhân của mọi việc. Khi cảm giác hào hứng mong chờ đi qua, mọi người cảm thấy bị hụt hẫng khi phải đối mặt với thực tế không mấy vui vẻ: họ phải đi làm vì công việc cơm áo gạo tiền cũng như có nghĩa vụ phải đến trường học hàng ngày. Đi làm/đi học trở thành một thứ phiền phức khiến người ta không muốn ra khỏi giường vào mỗi sáng nữa.

Thêm vào đó, khi mới bắt đầu đi học/đi làm chưa được bao lâu thì lại được nghỉ tuần lễ vàng. Thế là, cảm giác háo hức được thay thế bởi tâm lý thư giãn, vui chơi. Để rồi khi tuần lễ vàng qua đi, mọi người chợt nhận thấy mình không hứng thú với công việc/học tập như mình nghĩ.

Biểu hiện đầu tiên và chung nhất đó là cảm giác mệt mỏi, mất động lực làm việc/học tập và chán nản cuộc sống. Từ cảm giác chán chường, những người bị ảnh hưởng của chứng bệnh tháng Năm còn thấy mình dễ bị tổn thương hơn so với bình thường. Dễ nghĩ mọi việc theo chiều hướng tiêu cực. Dễ nghĩ quá lên hay phản ứng thái quá trong những tình huống hết sức bình thường.

Ảnh hưởng của chứng bệnh “tháng Năm” với những người đi làm, đặc biệt là những người mới tốt nghiệp và đi làm lần đầu, vì quá lo sợ mình làm hỏng việc hay hoang mang với lựa chọn, họ sẽ không thể đến công ty làm việc. Đây là một trong những lý do số người nghỉ phép tăng lên trong tháng Năm.

Để khắc phục bệnh “tháng Năm” chúng ta cần chia sẻ những vấn đề khó khăn của mình cùng người khác, ý thức được trạng thái cá nhân và lên cho mình một kế hoạch cụ thể trong năm. Cùng với đó là tinh thần luôn lạc quan để vượt qua căn bệnh này nhé!

GLOBAL BUSINESS NETWORK
Official Facebook Page

Site Map