A Recipe for a Happy Life

日本での幸せライフレシピ

Business manner
(ビジネスマナー)

TÁC PHONG LÀM VIỆC CỦA NGƯỜI NHẬT

Có những điều hiển nhiên ở Nhật lại là những điều vô lý ở nước khác, các bạn đã từng nghe câu nói này bao giờ chưa? Người Nhật xem việc tuân thủ tác phong làm việc là khởi đầu của việc trưởng thành. Một người mới vào công ty nếu nhuần nhuyễn tác phong làm việc càng sớm thì càng sớm cảm thấy mình làm được việc, người trong công ty cũng đánh giá là mình làm tốt. Cảm giác được đánh giá tốt sẽ giúp nhân viên tự tin trong giao tiếp và suy nghĩ, phát huy tinh thần trách nhiệm và tự giác trong công việc và nhờ đó có khả năng ở lại công ty lâu dài. Bài viết xin giới thiệu một số tác phong làm việc cơ bản trong kinh doanh ở Nhật.

1. Tuân thủ giờ giấc.

Trong kinh doanh ở Nhật, chậm 1 phút có thể là mất mạng. Chậm giao hàng là một ví dụ hiển nhiên. Ở Nhật thời gian bắt đầu phải chính xác, tuy nhiên thời gian kết thúc thì lại rất cao su nên nhiều khi người nước ngoài khó tuân theo. Trong văn hóa Nhật, việc tuân thủ thời gian giúp xây dựng niềm tin với công ty, giữa người và người. Chất lượng có thể chưa được hoàn hảo, nhưng phải tuyệt đối tuân thủ thời gian để thể hiện sự tôn trọng với đối tác, cấp trên và đồng nghiệp.

2. Cách chào hỏi

Người Nhật chú trọng lời chào và cúi đầu chào, không hay bắt tay hay ôm hôn. Khi đi gặp đối tác, chúng ta nên khéo léo chú ý kẻo nồng nhiệt bắt tay lại làm đối tác bất ngờ, khó chịu. Ngoài ra, khi đi làm hay đi làm về cũng phải chào hỏi người trong công ty. Khi đi ra ngoài, đi về, đi chơi mà gặp đối tác thì phải chào. Ở Nhật coi trọng việc cúi đầu chào. Và có 3 mức cúi đầu chào: cúi nhẹ, cúi kính cẩn và cúi rất kính cẩn. Đồng nghiệp Nhật khi gặp nhau, đi qua nhau thường cúi đầu nhẹ để chào nhau. Ở trong công ty, khi đi lướt qua cấp trên hoặc khách cũng cúi đầu nhẹ. Khi đón, tiễn hay đi thăm đối tác quan trọng thì sẽ cúi đầu kính cẩn. 

3. Cách xưng hô

Khi đi làm trong công ty, bắt buộc phải gọi người khác bằng họ và thêm “san” vào sau họ. Gọi tên hoặc không thêm “san” được xem là thiếu sự tôn trọng. Tuy nhiên khi nói chuyện với đối tác mà nhắc đến tên người trong công ty mình thì chỉ nêu họ, không thêm “san” để chị sự tôn trọng của cả công ty tới đối tác.

4. Trao danh thiếp

Khi gặp đối phương lần đầu tiên, cần trao danh thiếp của mình và nhận danh thiếp của đối phương bằng cả hai tay.

5. Trao nhận quà

Khi đi thăm ai thì có lúc chúng ta đem theo quà cáp. Quà tặng phải được để trong túi giấy đẹp đẽ, khi tặng thì lấy quà ra khỏi túi giấy để trao tặng. Phép lịch sự của bên nhận quà là không mở quà ra ngay lúc đó.

6. Áo quần chỉnh tề, sạch sẽ, đúng quy định

Ở Nhật thường nam giới mặc vét, nữ giới có nhiều lựa chọn hơn và sẽ quy định theo từng công ty. Nhưng dù công ty có dễ, có khuyến khích mặc thoáng mát vào mùa hè đi chăng nữa, việc mặc quần jeans, áo phông đi làm là hầu như không chấp nhận được. Ở Việt Nam, mỗi người thường có một phong cách mặc đồ khác nhau khá tự do. Tuy nhiên, mặc vét ở Nhật thể hiện sự tôn trọng đối với đối phương, không mặc vét có nghĩa là thiếu tôn trọng.

7. Tự giác trong công việc

Mình là người nhận lương, nên dù công việc gì cũng phải chủ động, tự giác làm việc hết mình.

8. Nổ lực để nhanh nhớ việc

Không chỉ nghe hướng dẫn, mà nên quan sát, đặt câu hỏi để học việc nhanh.

9. Thực hiện các nội quy riêng của công ty

Mỗi công ty thường có một quy định riêng, chúng ta cần ghi nhớ và thích ứng sớm với nội quy đó.

10. Hourensou (Báo cáo, liên lạc, thảo luận)

Đây là những kỹ năng giao tiếp cơ bản để công việc được suôn sẻ từ trên xuống dưới.

Các bạn có thấy chừng này nhiều, mà vẫn chưa yên tâm là đủ không ạ? Còn khá nhiều tác phong làm việc trong các tình huống cụ thể nữa nên chúng ta hãy giữ thói quen tìm hiểu về tác phong làm việc, cách ứng xử trong các tình huống và quan sát những người xung quanh nhé. Chúc các bạn sớm nhuần nhuyễn với tác phong làm việc ở Nhật để tiến đến cải thiện chất lượng công việc, chuyên môn và thăng tiến nhé.

GLOBAL BUSINESS NETWORK
Official Facebook Page

Site Map