A Recipe for a Happy Life

日本での幸せライフレシピ

Hệ thống chính trị và bầu cử tại Nhật
(日本の選挙と政治の仕組み)

Sau sự kiện ngài Abe Shinzo- vị thủ tướng tại nhiệm lâu nhất Nhật Bản- từ nhiệm vì lý do sức khoẻ, Thủ tướng mới là ngài Suga Yoshihide đã được bổ nhiệm. Giữa lúc cơn sóng của đại dịch chưa nguôi thì biến động mới xuất hiện trong thể chế chính trị đã làm dấy lên nhiếu lo lắng. Hãy cùng Tomoni tìm hiểu xung quanh những vấn đề gây băn khoăn này nhé!

Bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị Nhật Bản hiện tại được hình thành từ sau Thế chiến thứ 2, dựa trên chế độ lưỡng viện đa đảng. Chính phủ Nhật Bản là một chính phủ Quân chủ lập hiến, trong đó quyền lực chính trị được chia thành ba nhánh: hành pháp, lập pháp và tư pháp. 

Cơ quan Tư pháp

Bao gồm Tòa án Tối cao (và các toà án cấp dưới như các Toà án Dân sự Tối cao, các Toà án Khu vực, Toà án Gia đình và Toà án sơ thẩm) nắm toàn bộ quyền tư pháp.

Cơ quan Lập pháp

Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất và là cơ quan lập pháp duy nhất của Nhật Bản. Quốc hội có quyền bổ nhiệm Thủ tướng. Trong Quốc hội gồm có Hạ viện và Thượng viện.

– Hạ viện (衆議院  – Shugiin)

Hạ viện hiện tại gồm 465 nghị sĩ. Nhiệm kỳ của các thành viên Hạ viện là 4 năm. Các ứng cử viên bầu vào Hạ viện phải từ 25 tuổi trở lên. Hạ viện có thể bị giải tán trước khi kết thúc nhiệm kỳ.

– Thượng viện (参議院 – Sangiin)

Thượng viện hiện tại gồm 242 nghị sĩ. Nhiệm kỳ của các thành viên Thượng viện là 6 năm nhưng cứ mỗi 3 năm thì sẽ được bầu lại một nửa số thành viên. Các ứng cử viên để bầu vào Thượng viện phải trên 30 tuổi. Thượng viên không bị giải thể như Hạ viện.

Cơ quan Hành pháp

Nội các là cơ quan có quyền hành pháp, bao gồm Văn phòng Nội các và 11 Bộ. Nội các bao gồm Thủ tướng và 17 thành viên là Bộ trưởng hoặc có chức danh ngang Bộ trưởng (bao gồm Chánh Văn phòng Nội các). 

Thủ tướng là người đứng đầu Nội các. Giúp việc cho Thủ tướng là các Bộ trưởng. Vị trí Thủ tướng sẽ được Nghị quyết của Quốc hội chọn ra và được Thiên Hoàng chỉ định. Thủ tướng phải là thường dân (không phải là người trong gia đình Hoàng tộc). 

Con đường dẫn tới chức thủ tướng Nhật Bản chủ yếu đi qua đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Ngoại trừ hai thời kỳ gián đoạn 1993-1994 và 2009-2012, đảng này đã điều hành đất nước trong phần lớn lịch sử Nhật Bản thời hậu chiến. Cùng với đảng đồng minh Komeito, họ nắm quyền kiểm soát quốc hội Nhật Bản.

Những người có nguyện vọng trở thành thủ tướng trước tiên cần giành được ghế chủ tịch đảng LDP. Trong trường hợp bình thường, điều đó có nghĩa họ phải giành chiến thắng trong một cuộc bỏ phiếu mở rộng, với một nửa quyền bỏ phiếu thuộc về hơn một triệu đảng viên, nửa còn lại dành cho các nhà lập pháp của đảng.

Sau khi ông Abe từ chức năm 2007, Nhật Bản đã trải qua 5 đời thủ tướng chỉ trong vòng 5 năm trước khi chứng kiến sự trở lại của ông Abe năm 2012 và trải qua gần một thập kỷ ổn định chính trị hiếm có. 

Sau khi cựu chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga được Hạ viện bầu làm tân thủ tướng nước Nhật hôm 16-9 với 314/462 phiếu hợp lệ,  kết quả thăm dò dư luận mới nhất của đài NHK cho thấy Nội các mới của Nhật Bản đạt tỉ lệ ủng hộ 62%, tương đương với tỉ lệ ủng hộ của người tiền nhiệm là ông Abe Shinzo khi mới nhậm chức.

Giờ đây, Nhật Bản đang quay cuồng trong đợt suy giảm kinh tế mạnh nhất từ trước đến nay, với mức quy đổi theo năm là giảm 27,8% trong quý tháng 4-6. Xuất khẩu và du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch. Trong nhiều tháng từ trước khi vi-rút bùng phát, tâm lý tiêu dùng đã giảm do thuế tiêu dùng tăng vào tháng 10 năm ngoái. Nhiều chuyên gia nhận định có thể phải mất hơn 2 năm mới lấy lại được những gì đã mất. Liệu rằng chiến lược sắp tới của Thủ tướng đương nhiệm có thể cứu vãn tình hình hay không? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.

GLOBAL BUSINESS NETWORK
Official Facebook Page

Site Map