A Recipe for a Happy Life

日本での幸せライフレシピ

MỘT ĐÁM CƯỚI ĐIỂN HÌNH Ở NHẬT SẼ DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?
(日本の結婚式)

Đám cưới hay còn gọi là lễ cưới là minh chứng của sự trưởng thành, của sự trách nhiệm, để xây dựng nên gia đình trên nền tảng là tình yêu giữa sự gắn kết của cô dâu và chú rể. Lễ cưới không chỉ là dịp để người thân, bạn bè thân thiết đến chung vui cùng đôi tân lang tân lữ mà  cũng là cơ hội để cô dâu và chú rểđược gửi những lời tri ân đến những người đã tham gia chứng kiến hôn lễ và chúc phúc cho họ. Nhưng đã bao giờ bạn tò mò rằng liệu đám cưới ở Nhật có diễn ra giống như ở Việt Nam không? Cô dâu và chú rể sẽ làm những gì trong ngày cưới ?Liệu có phải là những hình ảnh trang nghiêm hay không thì cùng đọc thử thông tin bài viết mà chúng tôi sẽ cung cấp dưới đây nhé.

Phân loại đám cưới

Phong cách Shinto – Thần đạo

Sau sự kiện đám cưới hoàng gia của Hoàng tử Yoshihito và Công chúa Kujo Sadako, thì đám cưới phong cách Shinto đã trở nên cực kỳ phổ biến từ thế kỷ 20 cho tới nay. Hoạt động chính được diễn ra trong lễ cưới này là sự thanh lọc, được thực hiện bằng quá trình “nan-nan-san-ku -do” là uống 3 lần 3 ly rượu sake. Điều đặc biệt ở đây là chỉ có các thành viên trong gia đình và họ hàng thân thiết của các cặp đôi mới được tham dự các buổi lễ theo phong cách Thần đạo này.

Phong cách Phật giáo

Lễ cưới phong cách Phật giáo cũng mang những nét gần giống với đám cưới theo kiểu Thiên chúa giáo. Nhưng thay vì tổ chức ở nhà thờ, thì sẽ được tổ chức ở một ngôi đền. Cô dâu có thể được chọn trang phục mong muốn như kimono hoặc váy cưới hiện đại. Khách mời cũng có thể đến tham gia và không bị hạn chế như trong đám cưới phong cách Thần đạo.

Phong cách đạo Thiên chúa giáo

Đám cưới theo phong cách này thường diễn ra khá nhanh tầm khoảng 30 phút vì chú rể và cô dâu chỉ vào làm lễ, trao nhẫn, đọc lời nguyện thề trước sự chứng kiến của sư mục và gia đình bạn bè hai bên. Có một đặc điểm là cô dâu và chú rể không nhất thiết phải theo đạo Thiên chúa giáo mới được kết hôn theo nghi thức này mà tùy vào từng nhu cầu mong muốn riêng.

 Phong cách hiện đại Jinzen

Đây là phong cách lễ cưới phổ biến ở Nhật Bản trong thời gian gần đây, hơi mang phong cách hướng Châu âu, không đặt nặng một quy tắc nào cả. Chỉ là buổi lễ kết hôn trước sự chứng kiến chúc phúc của mọi người và thường diễn ra trong các khách sạn hoặc phòng tiệc đám cưới.

Cách mời dự đám cưới

Thông người người Nhật sẽ thông báo tổ chức đám cưới cho người thân và khách mời khoảng nửa năm trước khi diễn ra lễ. Và khi gần đến ngày cưới trước 1-2 tháng thì sẽ gửi thiệp mời tham dự và thông báo địa điểm cưới, thời gian làm lễ,…khá giống như ở Việt Nam. Tuy nhiên trong thiệp mời đám cưới sẽ kèm cả giấy trả lời cho khách rằng có thể tham dự lễ cưới được hay không, và phải phản hồi sớm nhất để họ còn lên danh sách khách mời, chuẩn bị chu đáo cho lễ cưới.

Sắp xếp chỗ ngồi đám cưới

Khác với Việt Nam khi khách mời có thể tự do lựa chọn chỗ ngồi mình thích thì ở Nhật Bản, việc quan khách ngồi đâu thì đều được sắp xếp và chuẩn bị sẵn ở ngoài bảng thông báo hoặc có nhiều nơi sẽ in chỗ ngồi kèm theo menu để phát cho khách mời trước khi lễ cưới được diễn ra. Vì Nhật Bản là một đất nước coi trọng vai vế, nên việc chỗ ngồi được sắp xếp theo cấp bậc cũng là một hình thức của sự tôn trọng.

Quà cho khách mời tới dự đám cưới

Đây có lẽ là một truyền thống đặc biệt trong đám cưới của người Nhật được gọi là Hikidemono (引き出物). Là những món quà mà cô dâu chú rể sẽ gửi tặng cho khách mời để bày tỏ lòng biết ơn vì đã tham dự ngày lễ vô cùng quan trọng và ý nghĩa nhất của cuộc đời họ. Hikidemono thường là bánh kẹo, hoặc các món đồ vật dụng như set cốc, bát đĩa hoặc khăn tay đều được gói rất tỉ mỉ và đẹp đẽ.

Phong bì mừng cưới

Phong bì mừng cưới tiếng Nhật là 祝儀袋 (Shugibukuro), cũng giống với đất nước Việt Nam chúng ta, quan khách tham dự lễ cưới sẽ chuẩn bị phong bì tiền mừng để chúc mừng hạnh phúc của đôi tân lang tân lữ. Nếu ở Việt Nam, khách mời có thể mừng bao nhiêu cũng được, phụ thuộc vào tấm lòng thì ở Nhật lại có 2 phương thức mừng cưới nhưng đều có đặc điểm chung là không được mừng số chẵn, vì số chẵn có thể chia đôi thường là biểu hiện của sự chia ly, cắt đứt mà phải mừng bằng số lẻ.

Hai phương thức mừng phong bì cưới đó là phụ thuộc vào mối quan hệ thì sẽ mừng những số tiền tương ứng, thông thường bạn bè hoặc đồng nghiệp sẽ mừng khoảng 3-5man và gia đình sẽ mừng gấp 2-3 số lần mừng đó. Phương thức còn lại là số tiền mừng do cô dâu và chú rể chỉ định, là mỗi người sẽ mừng từng này từng này tiền khi tới tham gia lễ cưới.

Người Nhật quan niệm rằng những tờ tiền mừng cưới càng mới càng thể hiện cho sự khởi đầu may mắn trên con đường hôn nhân gia đình của cô dâu và chú rể. Và bên ngoài sẽ ghi rõ số tiền mừng bằng chữ hán, không được ghi số.

Trang phục dự đám cưới của khách mời

Đối với nam:
Mặc vest tối màu, không mặc màu sáng lòe loẹt
Đi giày âu lịch sự, không đi giày thể thao
Tóc tai chải chuốt lịch sự

Đối với nữ:
Không mặc váy ngắn quá đầu gối, hoặc đồ hở hang như 3 lỗ, 2 dây
Không mang giày hở mũi
Không mang túi xách to đeo vác
Trang điểm lịch sự nhẹ nhàng không được lòe loẹt
Tóc búi hoặc buộc gọn gàng, không lòe xòe

GLOBAL BUSINESS NETWORK
Official Facebook Page

Site Map