A Recipe for a Happy Life

日本での幸せライフレシピ

Ngày thiếu nhi (5 tháng 5) của Nhật có liên quan gì tới văn hóa Samurai? TÌm hiểu lịch sử ra đời của ngày thiếu nhi (5 tháng 5) ở Nhật
(子供の日と侍の文化・子供の日の由来)

Nếu như ở Việt Nam ngày lễ thiếu nhi là ngày 1 tháng 6 thì ở Nhật Bản ngày lễ thiếu nhi rơi vào ngày 5 tháng 5. Thực tế, ngày 5 tháng 5 là ngày lễ dành cho các bé trai. Tại sao ngày lễ búp bê cho bé gái Hinamatsuri vào ngày 3 tháng 3) và “Ngày lễ cho bé trai” lại được gộp chung làm một? Và “tại sao lễ hội búp bê không phải là ngày nghỉ lễ quốc gia?” Để lý giải cho điều này, mời bạn đọc qua bài viết như sau.

Tại sao ngày 5 tháng 5 được ấn định thành ngày nghỉ lễ quốc gia?

Trong tiếng Nhật, “Tiết cú” (節句) là từ chỉ các ngày lễ đặc biệt – ngày 1/7, ngày 3/3, ngày 5/5, ngày 7/7, ngày 9/9. Các ngày tiết cú này được quy định có phải ngày lễ (祝日) quốc gia hay không thì còn phải dựa theo luật ngày lễ của Nhật.

Trong thời kỳ Edo, tất cả các ngày tiết cú được chính phủ ấn định là ngày lễ (祝日), nhưng khi áp dụng lịch mới tất cả đều bị hủy bỏ. Tuy nhiên, sau chiến tranh, khi xem xét lại ngày lễ mới ở Nhật Bản theo luật định, có một đề xuất rằng nên gộp lại ngày dành cho bé gái (ngày 3 tháng 3) và ngày lễ dành cho bé trai (ngày 5 tháng 5) thành một ngày lễ chung. Kết quả, ngày 5 tháng 5 (thời điểm khí hậu ấm áp hơn so với tháng 3) được ấn định là “Ngày của trẻ em” không phân biệt giới tính. Nói cách khác, ngày 5 tháng 5 không chỉ là ngày dành riêng cho các bé trai.

Tuy nhiên, mặc dù đã sát nhập chung, với người Nhật ngày 3/3 và ngày 5/5 vẫn là hai ngày lễ (tiết cú) được tổ chức riêng biệt. Vào ngày 5 tháng 5, những gia đình có con trai sẽ treo cờ cá chép, áo giáp, búp bê samurai và ăn bánh gạo…một tập tục bắt nguồn từ văn hóa samurai trong thời Edo.

Ngày 5 tháng 5 còn được gọi là ngày đoan ngọ

Vốn dĩ ngày 5 tháng 5 còn được gọi là ngày đoan ngọ. Nguồn gốc của ngày đoan ngọ được cho là bắt nguồn từ thời nhà “Chu” ở Trung Quốc khoảng 2300 năm trước, để kỷ niệm ngày mất của chính trị gia tên là Khuất Nguyên. Người ta tin rằng ngày lễ Đoan Ngọ được tổ chức ở Nhật Bản vào khoảng thời đại Thiên Bình (khoảng giữa thế kỉ thứ 8). Trong suốt thời kỳ Bình An, ngày 5 tháng 5 âm lịch là ngày giao mùa nên người Nhật tổ chức một sự kiện để tránh bệnh tật và thiên tai.

Ngày xưa, người Nhật có phong tục hái thảo mộc, tắm nước nóng với hoa lan, và uống rượu ngâm hoa diên vĩ. Và phân phát các loại dược liệu như ngải cứu, diên vĩ cho hoàng gia và chư hầu để xua đuổi tà ma được cho là nguyên nhân gây ra bệnh tật và tai họa. Ngoài ra họ còn có tục dùng hoa dùng hoa diên vĩ để làm đồ cài tóc. Còn trẻ con thì thường chơi các trò như shoubuuchi (菖蒲打ち). Shoubuuchi là trò chơi dùng cây diên vĩ đan thành sợi dây, rồi đập xuống đất. Dây nào phát ra tiếng to nhất sẽ thắng, còn dây nào bị đứt thì sẽ thua.

Thực tế, cây diên vĩ là một thảo dược có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm mệt mỏi, an thần, giảm đau, mùi hương của nó còn có tác dụng xua đuổi sâu bọ. Nên ngày Đoan Ngọ người xưa còn gọi là ngày lễ của cây diên vĩ, một sự kiện cầu mong tránh khỏi tai ương không bệnh tật. Hoa diên vĩ còn có âm đọc là shoubu, đồng âm với từ 尚武 (thượng võ) nên vào thời đại Edo, từ ngày lễ với mong ước một cuộc sống không bệnh tật đã chuyển thành ngày lễ cầu cho các bé trai được khỏe mạnh.

Vào thời Tokugawa (1603-1868), ngày Đoan ngọ chính thức được ấn định thành ngày lễ. Vào ngày này, các daimyo (lãnh chúa) và tầng lớp Hatamoto (samurai phục vụ trực tiếp cho Mạc phủ Tokugawa) thường tập trung tại thành Edo để ăn mừng. Nếu có một đứa trẻ trong gia đình tướng quân ra đời, người ta thường dựng cờ Uma-jirushi (馬印, phù hiệu ngựa). Sau đó, các phong tục của tầng lớp samurai lan truyền đến dân chúng và trở thành ngày lễ cho các bé trai ở các gia đình thường dân.

Vào ngày này, các gia đình bé trai thường trang trí cờ cá chép, áo giáp hay mũ giáp samurai. Trong đó, mũ giáp là một biểu tượng có tính chất “bảo vệ cơ thể”, người Nhật trang trí chúng với hy vọng rằng chúng sẽ bảo vệ những đứa trẻ khỏi tai nạn giao thông và bệnh tật.

Tại sao ngày lễ các bé trai lại treo cờ cá chép?

Cờ cá chép (Koinobori) là đồ trang trí lễ hội ra đời từ tầng lớp thị dân vào thời Edo. Koi là một loài cá không chỉ có thể sống ở những con suối trong veo mà còn ở những ao hồ và đầm lầy. Theo truyền thuyết, cá chép là loài vượt ghềnh, vượt thác nước hóa rồng, do đó người ta tin rằng, việc treo cờ cá chép vào ngày này là để cầu mong đứa trẻ có thể chống chọi với mọi môi trường để trở thành một người thành đạt.

Nhìn theo Luật Ngày lễ Quốc gia Nhật Bản, ngày thiếu nhi 5/5 được ghi rõ như sau: coi trọng nhân cách của trẻ em, chúng ta nỗ lực vì hạnh phúc của chúng và để biết ơn những người mẹ của chúng. Nói một cách khác, ngày thiếu nhi cũng là ngày để cảm ơn những người mẹ đã vất vả sinh thành, nuôi dưỡng những đứa bé trưởng thành!

Ánh Hiền

GLOBAL BUSINESS NETWORK
Official Facebook Page

Site Map