A Recipe for a Happy Life

日本での幸せライフレシピ

Người Nhật nổi tiếng lịch sự nhưng tại sao khi ăn Soba lại tạo ra tiếng “xì xụp”?
(日本人はとても礼儀正しいのに、なぜ蕎麦を啜るか)

Soba là món mì không chỉ được người Nhật ưa chuộng mà còn được du khách đến thăm Nhật Bản yêu thích. Nhưng khi chứng kiến người Nhật ăn soba một cách”xì xụp” tạo ra tiếng động to, nhiều du khách nước ngoài đã rất ngạc nhiên vì điều đó. Vì trong mắt họ, người Nhật rất lịch sự, coi trọng các quy tắc của công cộng.  Vậy thì, tại sao khi ăn soba nhiều người Nhật lại tạo ra tiếng “xì xụp” thế nhỉ? Mời bạn tham khảo bài viết thú vị như sau.

Đôi nét về Soba

Soba (kiều mạch) là món mì được làm từ bột kiều mạch. Theo Hiệp hội soba toàn quốc Nhật Bản, đó là món mì mà bột kiều mạch chiếm khoảng 30% và bột mì chiếm khoảng 70%.

Cây kiều mạch là loại cây có giá trị dinh dưỡng cao, có thể thu hoạch trong 1 khoảng thời gian ngắn hơn so với gạo (khoảng hai tháng rưỡi đến ba tháng). Người Nhật từ xa xưa đã dùng cây soba để làm ra thực phẩm. Ban đầu họ dùng kiều mạch để làm thành món cháo, về sau nghiền và nhào thành bột thành món “soba-gaki (蕎麦がき). Mãi cho đến vào đầu thời kỳ Edo, người Nhật mới cắt thành những sợi mì và ăn như món soba ngày nay.

Soba – đặc sản của thành thị Edo

Vào cuối thời Mạc phủ Tokugawa, Morisada Kitagawa, một thương gia xuất thân ở Osaka, khi chuyển đến sinh sống ở Edo đã cảm thấy rất “shock” trước sự khác biệt văn hoá giữa Edo (Tokyo ngày nay) và Kyosaka (Kyoto và Osaka). Để truyền tải cho hậu thế biết những trải nghiệm văn hoá của mình, ông đã viết thành tuyển tập khổng lồ với tên gọi 守貞謾稿 (Thủ trinh mạn cảo), tức là bản ghi chép của 守貞(Morisada – tên tác giả). Trong phần ẩm thực, Morisada diễn tả sự khác nhau hai món ăn đặc trưng của Nhật như sau: “Soba thì ở Edo, Udon thì ở Kyosaka”. Tức, nếu như soba được yêu thích ở Edo thì udon là món rất được yêu thích ở Kyoto và Osaka.

Thực tế, nhiều cửa hàng soba đã mở cửa vào cuối những năm 1600. Ước tính rằng có khoảng 3700 cửa hàng soba ở Edo vào cuối những năm 1800 của thời kỳ Edo. Lúc đầu, hầu hết các cửa hàng bán đều bán soba và udon cùng nhau, nhưng do soba ngày càng được yêu thích, udon dần bị loại bỏ và trở thành một đặc sản của Edo.

Tại sao khi ăn soba nhiều người Nhật lại tạo ra tiếng “xì xụp”

Lý do tại sao soba trở nên phổ biến có lẽ là do giá trị dinh dưỡng cao cũng như hương vị của nó. So với lúa mì (nguyên liệu làm nên món udon), kiều mạch có giá trị protein cao hơn và giàu vitamin B. Vào thời điểm đó, có thể chưa kiểm tra được giá trị dinh dưỡng như bây giờ mà chủ yếu dựa trên kinh nghiệm ăn uống của người dân. Người Nhật tin rằng ăn soba là một trong những bí quyết khiến sức khỏe dẻo dai và sống thọ.

Khi Tokugawa Ieyasu thống nhất thành công Nhật Bản, chấm dứt thời chiến quốc, ông đã chuyển kinh đô từ Kyoto đến Edo, và ra lệnh cho các daimyo trong khu vực và các thuộc hạ, thương nhân và nghệ nhân của họ phải di dời theo. Edo (Tokyo ngày nay) nhanh chóng trở thành đô thị lớn nhất thế giới. Vì phải xây dựng cơ sở hạ tầng ở thành Edo, số lượng nam giới trong giai đoạn này gấp 1,5 lần nữ giới. Nhiều người thợ xây, người lao động, thương nhân ở các khu vực khác đến đây, thường không thể tự nấu ăn nên thường dùng bữa tại các yatai – các quầy hàng đường phố cung cấp các bữa ăn nhanh với giá cả phải chăng. Với dân số ngày càng tăng, các quầy hàng thực phẩm được nhân lên với quy mô chưa từng có.

Để tồn tại ở một trong những thành phố đông đúc, sầm uất nhất thế giới như thế, nhiều người có xu hướng chọn món ăn vừa ăn nhanh vừa phải đủ dinh dưỡng. Do đó, trong khi Kansai (nơi có nhịp sống chậm hơn) ưa chuộng món mì udon, Edo là nơi văn hóa soba bén rễ.

Tuy nhiên, xã hội thời Edo vẫn thừa nhận ăn uống mà tạo ra tiếng ồn vậy là bất lịch sự, nên có vẻ như ngay từ đầu việc vừa ăn vừa húp xì xụp như vậy vẫn chưa thịnh hành. Trên một bài báo được đăng cho tạp chí Nippon.com, ông Horii, người kế nhiệm nhà hàng Nhật lâu đời được thành lập vào năm 1789 – giải thích rằng: vào thời Edo, soba là món ăn “bữa lỡ” dành cho tầng lớp lao động. Khi ăn soba để có thể làm việc tiếp vào giữa giờ, nhiều người ăn món mì này tại các quầy hàng ăn đứng. Ăn đứng và ăn vội vàng để trở lại làm việc ngay sau đó, việc tạo ra tiếng xì xụp như thế cũng là một hành động tự nhiên. Hơn nữa, việc ăn xì xụp như thế cũng là một cách thưởng thức hương vị mì soba. Chẳng hạn như khi nếm rượu,  ban đầu người ta sẽ đưa ly rượu lên và nếm rượu bằng mũi trước. Sau đó, mới đưa rượu vào miệng để nếm bằng lưỡi, cuối cùng nuốt xuống để nếm bằng họng. Nhưng để nếm soba, không thể dùng mũi mà dùng miệng. Khi ăn, hút vào cái, dùng miệng tạo ra tiếng xì xụp như thế mới nếm được hương vị của sợi soba.

Nhiều người Nhật cho rằng dẫu có ngửi thấy được mùi hương của mì soba cũng rất khó để thưởng thức hương thơm tuyệt vời và độc đáo của nó. Nhưng nếu khi ăn mà nhấp từng ngụm mì kiều mạch như thế thì lại khác. Nếu không làm vậy, mùi hương sẽ giảm đi một nửa, vì vậy khi ăn mì soba, ta sẽ cảm giác như là họ ăn như thể đang nhấm nháp rượu vậy! Do đó, không chỉ với mì soba, nhiều người cũng ăn udon và ramen với kiểu tương tự.

Trên tạp chí 和楽, tác giả Tabineco lí giải điều này theo một góc nhìn khác thú vị hơn. Người dân Edo trong thời này có thể chia thành 2 loại, dân Edo gốc (元祖江戸っ子) và dân Edo tự xưng (自称江戸っ子). Dân Edo gốc là từ chỉ người có bố mẹ xuất thân là người Edo, hoặc người có bố hoặc mẹ là người Edo, hoặc bố mẹ là người địa phương khác nhưng sinh ra ở Edo; tầng lớp này thường xuất thân từ quý tộc hoặc thương nhân giàu có. Trong khi đó, dân Edo tự xưng là từ chỉ người không thuộc 1 trong 3 trường hợp trên, họ có thể là thương nhân, người thành thị, dân lao động …từ nơi khác đến Edo sinh sống, làm việc.

Người ta nói rằng dân Edo tự xưng xuất hiện nhiều sau thời kỳ Kansei đến giữa thời kỳ Edo, và mở rộng quyền lực của mình trong thời kỳ văn hóa nghề nghiệp ở Edo phát triển mạnh mẽ. Khi nền văn hóa nghề nghiệp phát triển mạnh mẽ, đời sống kinh tế được cải thiện, ngay cả những người bình thường cũng có thể tham gia vào các hoạt động giải trí và văn hóa như ukiyo-e, kabuki…là những hoạt định quen thuộc với những người thợ thượng lưu được gọi là dân Edo gốc. Sự thể hiện niềm tự hào với tư cách là một “dân Edo” cũng thay đổi từ một nền văn hóa phụ thành một nền văn hóa chính thống.

Và khi số lượng người “dân Edo tự xưng” vượt quá số lượng của dân Edo gốc, tính thẩm mỹ, phương cách mà dân Edo gốc tạo ra cũng được chuyển đổi thành những giá trị thông thường. Hay nói một cách khác, “dân Edo tự xưng” có xu hướng nổi loạn, muốn đi ngược lại cái gu thẩm mỹ mà “dân Edo gốc” tạo ra trước đó để thể hiện sự bất mãn sâu sắc hơn do sự khác biệt về hệ thống xã hội và hoàn cảnh nơi anh ta được sinh ra. Việc ăn mì soba tạo ra tiếng ồn xì xụp cũng là cách thức nổi loạn như vậy.

Ánh Hiền

GLOBAL BUSINESS NETWORK
Official Facebook Page

Site Map