A Recipe for a Happy Life

日本での幸せライフレシピ

Những điểm ngắm hoa anh đào được đề xuất ở Kyoto
(京都のおすすめ桜見スポット )

Năm 794, Kyoto (lúc đó được gọi là Heian-kyō) được chọn làm kinh đô mới của triều đình Nhật Bản. Thành phố có bề dày lịch sử hơn 1220 năm tuổi, nhiều thứ đã đổi màu nhưng khi mùa xuân đến, hoa anh đào nở, thiên nhiên tô màu cảm giác như thời gian đang quay trở lại. Ở thành phố cổ kính ấy, chắc hẳn không khó để tìm thấy những điểm ngắm hoa anh đào ở Kyoto. Bạn có thể đi dọc bờ sông, ngắm hoa khoe sắc trên nền của những công trình kiến ​​trúc đền đài đẹp đẽ, hoặc ngắm hoa ở nhiều địa điểm được công nhận là di sản thế giới tại Kyoto.

Tại cố đô này, nơi có vẻ đẹp sống động ấy, có một nhiếp ảnh gia luôn để mắt đến khung cảnh thiên nhiên và liên tục bấm nút để không bỏ lỡ khoảnh khắc hấp dẫn nhất.

Ông Mizuno, người dường như biết tất cả về vẻ đẹp của Kyoto, đã tạo ra một cuốn sách về chủ đề thiên nhiên, gồm các bức ảnh mình chụp và cả bài luận với nhan đề, “Tham quan hoa anh đào ở Kyoto, chuyến đi dạo dọc các con nước (京都桜めぐり、水辺歩き)”.

Ở bài viết này, xin được phép giới thiệu một vài điểm ngắm hoa theo đề xuất từ cuốn sách này. Tin chắc đó là những điểm đến thú vị cho những ai còn băn khoăn.

Con đường Triết học – Tetsugaku-no-Michi (哲学の道)

Đây là con đường trải dài kết nối các địa điểm tham quan nổi tiếng ở Kyoto, dành cho khách bộ hành men theo nguồn nước nhỏ của vùng chân núi ở phía tây Kyoto, và được bầu chọn vào “TOP 100 con đường đẹp của Nhật Bản”. Trong thời kỳ Minh Trị (1868-1912) con đường này từng được gọi là “Con đường của các văn nhân”; người ta nói rằng nhiều văn nhân từng tản bộ, suy ngẫm, sáng tác văn chương ở đây. Về sau, tương truyền rằng Nishida Kitaro –  triết gia nổi tiếng của Nhật Bản, người sáng lập ra cái được gọi là Trường phái triết học Kyoto.  – thường tản bộ trên con đường này để bình ổn tâm trí nên đã đổi tên thành “Con đường Triết học”. Ở hai bên bờ kênh có trồng nhiều cây hoa sakura dạng vòm cong nhẹ. Vào mùa hoa Sakura nở, khung cảnh rất đẹp nên có nhiều du lịch đến tham quan.

Công viên Arashiyama

Công viên Arashiyama nằm ở khu vực núi Arashiyama – một điểm du lịch nổi tiếng của Kyoto, là công viên tự nhiên có trồng nhiều cây Sakura, cây phong lá đỏ và vườn hoa đỗ quyên núi. Công viên gồm có ba khu vực Kameyama, Nakanoshima, Rinsenji. Trong đó, Nakanoshima là địa điểm ngắm hoa Sakura lý tưởng nên vào mùa Sakura nở rộ, thu hút nhiều du khách.

Ao Hirosawa

Ao Hirosawa là ao có chu vi khoảng 1,3km, nằm ở Sagahirosawa-cho, Ukyo-ku, thành phố Kyoto. Từ năm 1969, ao Hirosawa được chỉ định là khu bảo tồn đặc biệt, và được Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản chọn là một trong 100 ao đẹp nhất vào năm 2010. Vào mùa anh đào nở, những tán hoa nở rộ sáng rực ở dọc bên hồ. Bạn có thể ngắm nhìn khung cảnh tuyệt vời đó khi đến đây.

Khu phố Shirakawa – Shinbashi-dori

Đây là con phố với những dãy nhà vẫn giữ được nét hoài cổ y nguyên như thời Edo, kéo dài từ dọc bờ sông Shiwakawa chảy qua phía bắc Gion cho đến con phố Shinbashiyên tĩnh. Nơi đây vẫn còn lưu giữ lại những dấu tích nổi tiếng của khu phố Hanamachi – nơi có các nàng geisha, maiko biểu diễn nghệ thuật, tiếp trà mua vui cho khách ngày xưa. Mỗi mùa xuân về, đây còn là địa điểm ngắm hoa anh đào nổi tiếng thu hút nhiều du khách tham quan.

Đọc đến đây, có lẽ sẽ có bạn thắc mắc là:

Vậy thì, tại sao người Nhật lại mê mẩn hoa anh đào đến vậy?

Với người Nhật, mùa xuân cũng là mùa khởi đầu mới, mùa nhập học, mùa nhập vào công ty. Những bông hoa anh đào đã tô màu cho những khởi đầu rực rỡ ấy. Cảnh tượng đó có lẽ đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí nhiều người dân sống trên đất nước này.

Về mặt lịch sử, trong “Cổ sự kí” và “Nhật Bản thư kí” cũng có đề cập đến mối quan hệ giữa hoa anh đào và người Nhật qua nữ thần Konohanasakuya-hime (木花開耶姫 (Mộc Hoa Khai Da Cơ)) – một nhân vật trong thần thoại Nhật Bản, nàng công chúa của hoa nở, vị thần tượng trưng cho những đóa hoa anh đào. Có giả thuyết cho rằng từ sakura (hoa anh đào) xuất phát từ “Sakuya” trong cái tên Konohanasakuya.

Trong dân gian, lại có giả thuyết cho rằng “Sa”, có nghĩa là thần của cánh đồng lúa, và “Kura”, nghĩa là ngai vàng của Thần, kết hợp lại tạo thành “Sakura”. Nhật Bản thời xa xưa, người dân sống bằng nghề nông. Họ tin rằng, vị thần của những cánh đồng lúa ngự trong những bông hoa anh đào nở rộ đó, nên Sakura là loài hoa được tôn thờ như một sự biết ơn vị thần đã trông coi mùa màng.

Trong thời kỳ Nara, thời ảnh hưởng văn hóa từ Trung Hoa, những đóa mận thơm và đầy màu sắc mà những người quý tộc đã đem về từ Trung Quốc được yêu thích. Tuy nhiên, đối với những người dân thường sống và tôn thờ thiên nhiên, hoa anh đào nơi thần đồng lúa ngự, là loài hoa họ biết ơn, có vẻ như không có gì có thể thay thế được.

Bước vào thời Bình An, khi Heiankyo (tên gọi cũ của Kyoto) được chọn làm kinh đô, văn hóa quốc gia bắt đầu phát triển phong phú. Thiên Hoàng Hoàng Vũ (桓武天皇), người đã di dời thủ đô, vào thời điểm đó, vẫn thích và trồng hoa mận ở trong cung điện. Kể từ thời Thiên hoàng Nhân Minh (仁明天皇), hoa mận được thay thế thành hoa anh đào, từ đó lan truyền đến giới quý tộc. Tuy nhiên, mãi cho đến thời Edo, hoa anh đào mới trở thành “quốc hoa” trong tâm trí người Nhật. Trong thời này, tại đền Kaneiji – ngôi đền do tướng quân Tokugawa Iemitsu xây dựng, một số lượng lớn cây anh đào hoang dã ở Yoshino đã được ghép cành, từ đó xuất hiện dãy cây hoa anh đào đầu tiên ở Edo. Sau đó, vị tướng quân Mạc Phủ Yoshimune thứ 8 đã tạo ra các điểm ngắm hoa anh đào để người dân Edo có thể thưởng lãm.

Motoori Norinaga, một học giả nổi tiếng giữa thời kỳ Edo, đã ca ngợi rằng, những bông hoa anh đào tỏa sáng trong ánh nắng ban mai là biểu tượng của tâm hồn người Nhật, chúng không chỉ đẹp, mà còn mang một tinh thần đầy sức lôi cuốn.

GLOBAL BUSINESS NETWORK
Official Facebook Page

Site Map