A Recipe for a Happy Life

日本での幸せライフレシピ

Tại sao năm tài chính của Nhật lại bắt đầu từ tháng 4 cho đến cuối tháng 3?
(何故日本の経済年度は4月スタートになっている?)

Hiện nay, có nhiều công ty Nhật Bản chọn năm tài chính từ tháng 4 đến tháng 3 để quyết toán và lập ngân sách cho hoạt động kinh doanh của mình. Sở dĩ nhiều công ty chọn khoảng thời gian này chứ không phải khoảng thời gian từ đầu năm đến cuối năm dương lịch thông thường là do bởi muốn quyết toàn trùng với năm tài chính của các tổ chức công như chính phủ quốc gia và chính quyền địa phương.

Vậy thì tại sao năm tài chính của Nhật lại rơi vào từ tháng 4 đến tháng 3? Năm tài chính của các quốc gia khác thì thế nào? Mời bạn tham khảo bài viết sau để hiểu rõ hơn về điều này.

Về năm tài chính của chính quyền quốc gia và địa phương

Năm tài chính là khoảng thời gian một năm trong đó chính phủ quốc gia và chính quyền địa phương phân loại thu nhập và chi tiêu, xác định rõ tình hình hoạt động để quyết toán và lập ngân sách.

Về năm tài chính quốc gia, điều 11 Luật Tài chính của Nhật quy định “năm tài chính quốc gia bắt đầu từ ngày 01 tháng 4 hàng năm và kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm sau”. Quy định này bắt đầu vào năm 1886 và tiếp tục cho đến nay. Trong khi đó, điều 208, đoạn 1 của Luật tự trị địa phương quy định rằng “năm tài chính của các chính quyền địa phương bắt đầu từ ngày 1 tháng 4 và kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm sau đó”.

Tại sao năm tài chính của chính quyền quốc gia và địa phương được ấn định từ tháng 4 đến tháng 3?

Theo nghiên cứu của ông Umemura Takashi về tổ chức tài chính Nhật Bản vào thời cổ đại (1989), từ thời đại theo chế độ Ritsuryo (律令) (nửa sau thế kỷ thứ 7), việc hoạch định ngân sách quốc gia được chia thành đơn vị là một năm. Vào khoảng thời gian này, việc nộp thuế và phân bổ ngân sách thực tế được thực hiện trong khoảng “từ tháng 1 đến tháng 12 âm lịch”.

Theo ghi chép của tài liệu “Lịch sử tài chính Minh Trị”, vào năm 1869 (Minh Trị thứ 2), năm tài chính được ấn định trong khoảng từ tháng 10 cho đến tháng 9 năm sau. Nhưng vào tháng 10 năm 1872, lại thay đổi từ tháng 1 đến tháng 12 (thực thi vào tháng 1 năm 1873) và sau đó là tháng 7 đến tháng 6 vào năm 1874 (thực thi vào tháng 8 năm 1875); cuối cùng vào tháng 10 năm 1884 từ tháng 4 cho đến tháng 3 năm sau (thực thi vào tháng 4 năm 1886).

Theo công trình nghiên cứu của giáo sư Kashiwazaki Toshiyoshi (Năm tài chính và khả năng tính của chủ nghĩa hợp hiến về tài chính – phán quyết của Masayoshi Matsukata), lý do dẫn tới sự thay đổi này như sau:

Năm tài chính được ấn định trong khoảng từ tháng 10 cho đến tháng 9 vào năm 1869 (Minh Trị thứ 2) mục đích là để phù hợp với thời gian thu hoạch lúa mới. Sau đó đổi sang từ tháng 1 cho đến tháng 12 là do trong khoảng vài năm sau đó chính quyền Minh Trị bãi bỏ năm âm lịch chuyển sang dùng năm dương lịch. Chính xác hơn, việc thay đổi từ âm lịch sang dương lịch liên quan đến vấn đề tài chính. Nói cách khác, trong giai đoạn này chính phủ mới của Minh Trị đối mặt với vấn đề thâm hụt tài chính nghiêm trọng. Vì tính theo âm lịch, năm thứ 6 của thời Minh Trị (1873) có tháng nhuận, tổng cộng chính phủ phải chi trả 13 tháng cho công chức chính phủ. Nếu chuyển sang dùng dương lịch, sẽ không có tháng nhuận, chỉ thanh toán 12 tháng lương vào năm 1873. Hơn nữa, với lí do chỉ có 2 ngày vào tháng 12 của năm Minh Trị thứ 5 (1872). Rốt cuộc, chính phủ chỉ cần trả 11 tháng lương cho năm 1872.

Việc thay đổi năm tài chính từ tháng 7 đến tháng 6 vào năm 1874 thì được cho là để phù hợp với ngày giao thuế đất (kỳ đầu tiên là tháng 8) sau khi chính phủ ban hành Luật sửa đổi thuế đất. Cuối cùng vào tháng 10 năm 1884, chính phủ lại lâm vào sự thiếu hụt ngân sách trầm trọng do chi phí quân sự tăng cao vào thời điểm đó. Để bù đắp thâm hụt ngân sách do đã lỡ chi phần phần thuế nấu rượu sake năm 1885 sang năm 1884, không còn cách nào khác là phải thay đổi năm tài chính theo thời kì nộp thuế nấu rượu sake (kỳ đầu là vào tháng 4) từ năm 1886 và điều chỉnh lại sổ sách (nhờ đó, năm tài chính của năm 1885 được rút ngắn chỉ còn 3 tháng). Và vào năm 1889, theo luật kế toán, năm tài chính được quy định từ tháng 4 cho đến tháng 3 năm sau đó. Kể từ năm 1889, năm tài chính không thay đổi và vẫn tiếp tục cho đến nay.

Năm tài chính của các nước khác thì sao?

Nhiều nước, chủ yếu là các nước lớn ở Châu Âu, có năm tài chính là từ tháng 1 đến tháng 12 theo năm dương lịch, nhưng hai nước lớn là Hoa Kỳ và Anh lại áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch. Ở châu Âu cũng vậy, một số quốc gia có năm tài chính từ tháng 7 đến tháng 6, và nó không được thống nhất trong toàn EU. Ví dụ, Ý từng có năm tài chính là tháng 7 đến tháng 6, nhưng lại được thay đổi thành năm dương lịch vào năm 1965. Ngoài ra, các nước thành viên Liên bang Anh thường áp dụng năm tài chính tháng 4 đến tháng 3 do ảnh hưởng của Vương quốc Anh, nhưng năm tài chính ở Úc và New Zealand lại rơi vào tháng 7 đến tháng 6.

Năm tài chính của mỗi quốc gia, bao gồm cả Nhật Bản, được ấn định dựa trên yếu tố nền tảng về xã hội, văn hóa, và các yếu tố chính trị liên quan. Kết quả là, ở mỗi quốc gia sẽ có những năm tài chính khác nhau. Hiểu rõ lịch sử, nguyên nhân dẫn tới việc ấn định này sẽ mang lại cho bạn nhiều góc nhìn rất thú vị.

Ánh Hiền

GLOBAL BUSINESS NETWORK
Official Facebook Page

Site Map